Trong chừng mực, rượu bia làm hưng phấn, mở lòng.

	Rượu bia chảy tràn năm mới, “đối phó” sao đây? | Ẩm thực - Sức khỏe

Tuy nhiên, uống nhiều, kết hợp với chế độ ăn thay đổi, cơ thể không thích nghi kịp sẽ mệt mỏi do mất cân bằng dinh dưỡng. Tệ hơn, giảm hoặc mất khả năng kiểm soát cơ thể.

 Rượu bia chảy tràn năm mới, “đối phó” sao đây? 1
Uống nhiều rượu, bia dẫn đến say rượu, làm giảm hoặc mất
khả năng kiểm soát cơ thể - Ảnh: Franchise Focus

Ảnh hưởng của rượu

Chất cồn có trong rượu, bia sau khi vào cơ thể sẽ thấm vào máu, di chuyển đến gan - nơi xảy ra quá trình chuyển hóa, hấp thụ. Khi thấm vào máu, một phần sẽ theo máu lên não.

Tại não, chất cồn có thể “chiếm chỗ” một số khu vực nhận, trao đổi các tín hiệu thần kinh làm cho tế bào não không nhận được các tín hiệu một cách đầy đủ. Nếu uống nhiều, lượng cồn lên não nhiều sẽ làm cho quá trình truyền, nhận tín hiệu thần kinh tại não bị ảnh hưởng, có thể gây nên những dấu hiệu của say rượu như nói không rõ ý, nói lặp lại 1 chuyện, đi không vững, dễ kích động…

Ngoài ra khi chất cồn vào cơ thể, phần lớn sẽ được chuyển hóa tại gan. Trong quá trình chuyển hóa, một chất trung gian có tên acetaldehyde được tạo ra. Nếu lượng chất acetaldehyde trong cơ thể nhiều (do uống nhiều hoặc cơ thể chuyển hóa chậm) có thể gây nôn ói, nhức đầu.

Một số cách có thể giúp giảm tình trạng say rượu hoặc “giã” rượu bia:

Trước khi uống

Nên ăn lót trước khi tham gia buổi “tiệc nhậu”. Hoặc trong bữa tiệc nên vừa ăn thức ăn vừa uống, không nên chỉ uống mà không ăn.

Thức ăn vào sẽ giúp làm cho chất cồn trong rượu, bia chậm hấp thu vào máu, do đó sẽ hạn chế được chất cồn lên não.

Ngoài ra thực phẩm trong dạ dày cũng làm giảm acetaldehyde trong dạ dày. Cũng nên nhớ rằng, ăn càng nhiều, bụng sẽ no “giúp” bạn không uống được nhiều.

Nếu bạn có thể uống sữa mà không bị rối loạn tiêu hóa thì một ly sữa trước khi “nhậu” cũng giúp giảm nguy cơ say vì sữa tạo lớp “màng bọc” lên niêm mạc dạ dày và làm chậm quá trình hấp thụ cồn.

Sau khi uống

Vì “hoàn cảnh” mà bạn phải uống đến mức bị say, một số cách sau cũng có thể giúp “giã" rượu:

Cố gắng uống nước ép hoặc ăn nhiều trái cây giàu vitamin C như cam, quýt, dâu tây, dứa, ổi cóc... hoặc có thể dùng viên vitamin C. Vitamin C giúp làm giảm tác động có hại của acetaldehyde đối với cơ thể.

Uống nhiều nước giúp là chậm quá trình hấp thu chất cồn vào máu, cũng như bù lại lượng dịch mất đi qua quá trình tiểu tiện trong buổi “nhậu”. Một ly trà xanh, có thêm một vài lát gừng cũng giúp giải rượu bia tốt.

Ăn chén cháo loãng hoặc uống nước cơm cũng giúp làm giảm chất cồn trong rượu được hấp thu vào máu.

Nếu cảm thấy buồn nôn, khó chịu, có thể ói ra. Việc ói ra cũng giúp loại bỏ phần rượu bia chưa kịp hấp thu vào máu. Tuy nhiên cần lưu ý để tránh bị hít, sặc khi ói.

Một giấc ngủ khi say có thể giúp cơ thể “tập trung” chuyển hóa và thải trừ lượng cồn, và giúp cơ thể được nghỉ ngơi, tránh được tai nạn do không tình táo gây nên.

Tuy nhiên chỉ nên uống rượu, bia ở mức vừa phải mà cơ thể chấp nhận được và nên uống chậm để cơ thể chuyển hóa kịp. Không nên uống rượu bia thường xuyên vì ngoài những tác hại tức thời, rượu bia có thể gây viêm loét dạ dày, tá tràng, xơ gan...

Ngoài ra, nhằm tránh bị ngộ độc rượu do uống phải những loại rượu, bia kém chất lượng, nên chọn sản phẩm của những nhà sản xuất hoặc phân phối có uy tín, nguồn gốc tin cậy.

TS. BS Lê Nguyễn Trung Đức Sơn (giảng viên đại học Y Phạm Ngọc Thạch)

Theo Nguyễn Loan/Tuổi Trẻ


Tổng hợp & BT:

Về Menu

rượu, bia, giải độc, giã rượu, dạ dày, vitamin C