(Em đẹp) - Tiết trời thu se lạnh, rất thích hợp để ăn bánh mỳ sốt vang, đặc biệt là bánh mỳ tự làm, sốt vang tự nấu thì còn gì bằng.- Emdep.vn
Món ngon tối nay: Bánh mỳ sốt vang tự nấu vẫn ngon như hàng

Thay vì ăn cơm, bạn đổi món cho cả nhà bằng món bánh mỳ sốt vang hòa quyện giữa vị giòn thơm của bánh mỳ, mềm ngọt của thịt bò và nước sốt đậm đà nhé.         

                         Món ngon tối nay 
* Món chính: Bánh mỳ sốt vang 
* Tráng miện: Panna cotta dâu    
                   






Sốt vang

Có thể nấu bằng nhiều loại thịt bò, nhưng ngon nhất có lẽ là nấu sốt vang từ diềm thăn hoặc gân đế thăn. Miếng sốt vang không cần phải ninh quá lâu mà vẫn đảm bảo độ mềm, giòn và ngọt từ thịt.
Nguyên liệu gồm có:+ Gân đế thăn+ Rượu vang, hồi, quế, gừng, thảo quả, ngũ vị hương, gia vị...
Thực hiện:- Gân đế thăn rửa thật sạch, thái miếng vừa ăn, ướp với chút gừng, tỏi, rượu vang, ngũ vị hương, gia vị... trong khoảng 30 phút. Sau đó đem xào cho thịt chín sơ, thêm nước dùng vào rồi ninh nhừ cùng với quế, hồi, thảo quả. Trước khi tắt lửa nếm nêm lại gia vị và nếu thích tạo độ sánh thì các bạn thêm chút bột ngô vào, thêm hành mùi cho thơm. Ăn nóng với bánh mỳ.

Bánh mỳ Việt Nam

Bánh mỳ là loại bánh mà mình khá thích làm và cũng hay làm. Hôm nay mình thử công thức bánh mỳ mới theo Baking Challence trên webtretho được các mẹ rỉ tai nhau là thành phẩm khá giống với bánh mỳ Việt Nam, vỏ giòn ruột xốp.
Nguyên liệu gồm có:+ Bột mỳ: 500gr+ Men: 10gr+ Đường: 15gr+ dầu chiên: 15gr+ Nước: 300gr+ Dấm ăn: 15gr+ Muối: 5gr
Thực hiện:- Cho nước, đường hòa tan, sau đó cho men vào khuấy đều, để 1 lúc  cho men nở phồng như gạch cua.- trộn thật đều hỗn hợp bột mỳ, dầu chiên, dấm ăn, muối, cho hỗn hợp men vào vào nhào đều tay, đến khi khối bột mịn, không dính tay, dàn mỏng khối bột không rách là đạt. Đem ủ nơi kín gió, nhiệt độ khoảng 30-35 độ C trong khoảng 15 phút. Lưu ý là do công thức có dấm ăn nên không ủ lâu, sẽ làm bánh bị chua và đậm mùi dấm, men. Ủ đủ thời gian thì đấm xẹp cục bột, chia bột thành từng khối nhỏ hơn (khoảng 60-70gr bột), tạo hình bánh và tiếp tục ủ khoảng 30 phút.- Bật lò nướng ở 220 độ C trước 10 phút cho nóng lò. Bánh ủ lần 2 đủ thời gian, các bạn tiến hành rạch bánh, phun nước bề mặt và đem nướng cho đến khi bánh nở căng, mặt bánh vàng ruộm là được.

Tráng miệng với panna cotta vị dâu chua dịu

Nguyên liệu gồm có:
A. Panna cotta+ 80gr sữa+ 4gr bột gelatine+ 240gr whipping cream+ 25gr mật ong+ 15gr đường
B. Sốt dâu tây+ 160gr dâu tây+ 30gr nước+ 40gr đường+ 4gr gelatine+ 1 giọt màu đỏ thực phẩm (có thể có hoặc không)
Thực hiện:
A. Panna cotta- Bột gelatine ngâm với chút nước lạnh nấu sôi để nguội cho nở, đem chưng cách thủy cho tan hết. Cho sữa, mật ong, đường vào nồi nhỏ đun tan hết đường nhưng không sôi, cho phần gelatine đã chưng cách thủy vào, khuấy đều để hỗn hợp tan hoàn toàn. tắt lửa, để nguội bớt rồi cho whipping cream vào trộn thật đều. Dùng thìa chia panna cotta vào từng hũ đựng, cất tủ lạnh khoảng 10-15 phút cho se mặt rồi mới đổ tiếp lớp tiếp theo.
B. Sốt dâu tây:- Dâu tây rửa thật sạch, bỏ cuống, chỉ lấy phần thịt, cho vào máy xay cho nhuyễn mịn. Cho dâu tây vào nồi với đường, đun trên bếp cho đến khi đường tan hết. Nếu cho màu thực phẩm thì các bạn cho sau bước này nhé, nếu không thì có thể bỏ qua. - Bột gelatine ngâm với chút nước lạnh nấu sôi để nguội cho nở, đem chưng cách thủy cho tan hết. Trộn gelatine với sốt dâu cho đều, để hơi âm ấm. Khi lớp mặt Panna cotta đã se thì đổ lớp sốt dâu lên trên, để tủ lạnh khoảng 10 - 15 phút cho sốt dâu se lại. Nếu đổ thành nhiều lớp thì đổ từng lớp một, cho vào tủ lạnh 10 - 15 phút cho se mặt thì mới đổ tiếp lớp thứ 2, 3 lên.

Chi tiêu:
- Gân đế thăn: 40.000VNĐ/200gr- Bột mỳ: 11.000 VNĐ/500gr- Whipping: 125.000/hộp/1lite- Dâu tây: 300.000/1 kilogram

Tổng hợp & BT:

Về Menu