Quán cơm tấm nhỏ xíu ở cuối đường Nguyễn Phi Khanh (Q.1, TP.HCM) này luôn đông khách từ rạng sáng cho đến giữa trưa, dù rất chật chội và nhiều khi khách
Xếp hàng ăn cơm tấm...



Quán cơm tấm nhỏ xíu ở cuối đường Nguyễn Phi Khanh (Q.1, TP.HCM) này luôn đông khách từ rạng sáng cho đến giữa trưa, dù rất chật chội và nhiều khi khách phải xếp hàng để chờ đến lượt.

Nói đến cơm tấm, món ngon Nam bộ vốn dĩ là là món ăn của giới bình dân lao động miệt lục tỉnh thuộc Nam kỳ, theo chân người dân thôn quê lên thành thị, rồi dần dần góp mặt trong bữa ăn của giới lao động, học sinh sinh viên, viên chức…

Ít người còn nhớ món này từng được xem là thứ "cơm nhà nghèo" do cách tận dụng những hạt tấm (chút đầu mày màu trắng đục nơi đầu hạt gạo) và gạo gãy trong xay xát để nấu thành cơm.

 


Nguyên bản cơm tấm sườn bì chả

Sự phong phú của các phiên bản cơm tấm, từ những thành phần nguyên thủy như bì, chả trứng và sườn nướng thì nay đã "mở rộng" với vô vàn những món ăn kèm. Có thể ăn với xíu mại từ menu điểm tâm của người Hoa gốc Quảng Đông, hay đặc biệt hơn là với tôm kho tàu, lạp xưởng như quán An Dương Vương, sườn chéo ở Phú Nhuận, sườn non ở Nguyễn Du (Q.1)...

Phong phú là vậy nhưng bản sắc của cơm tấm vẫn luôn được gìn giữ. Dù là ăn với món gì đi nữa, người ta vẫn phải liên tưởng về nguyên bản với bì, chả, chén nước mắm pha đặc trưng, món đồ chua ăn kèm... như một phần không thể thiếu của món ăn này.

Nhắc đến quán cơm tấm trên đường Nguyễn Phi Khanh này, nhiều người sẽ liên tưởng đến cái quán nhỏ xíu, cũ kỹ mà lúc nào cũng không ngớt khách ra vào. Lề đường dựng xe bề rộng chỉ vài tấc mà lúc nào cũng san sát xe máy.

 




Cơm tấm bì chả với món chả cua ăn kèm độc đáo ở quán 'chật' Nguyễn Phi Khanh

Mới bước vào khách đã cảm nhận ngay sự ngăn nắp (hay vì chật chội mà người ta gọn gàng hơn?). Đằng trước quán là một tủ kiếng nhỏ với những bình nước mắm, đồ chua, ngó sen xếp ngay ngắn cùng các món ăn kèm như bì, chả, sườn nướng.

Vì chật chội nên quy trình ở đây cũng thật nhịp nhàng: người trong bếp sẽ múc sẵn cơm ra dĩa, rồi người bán ngồi ngay tủ kính sẽ lần lượt cho chả, bì hay sườn nướng lên dĩa kèm theo với chén nước mắm có đồ chua, ngó sen khá hấp dẫn.

Điểm độc đáo của quán cơm này là bên cạnh phần mỡ hành chan lên như thường thấy còn có thêm... hành phi, món ăn kèm thường thấy của bánh cuốn cùng nhiều món bún, hủ tiếu... Sự kết hợp có phần hơi lạ lẫm này hóa ra lại thật hợp lý, bởi cái giòn giòn của hành phi đi cùng với vị ngọt thơm của mỡ hành rất hài hòa.

Chả cua cũng là một món "lạ" ăn kèm với cơm tấm. Viên chả tròn đầy (tương tự như món thịt viên - meat ball trong ẩm thực Ý) với nhân thịt bằm và cua được nướng khen khét vàng ươm ăn chung với cơm tấm cũng quá ngon. Chan lên một chút nước mắm rồi cảm nhận từ từ phần cơm với chả, bì rồi chả cua thì mới đúng trình tự, mới cảm nhận trọn vẹn vị ngon của dĩa cơm. Một vị ngon nhẹ nhàng mà cũng thật thuần khiết. 

Con đường Nguyễn Phi Khanh thường được nhắc đến bởi quán cafe Thái Chi nổi tiếng những năm 60, 70 thế kỷ trước. Vẻ xưa cũ vẫn còn in dấu trên những ngôi nhà cổ dọc theo con dốc thoai thoải, gợi nhớ hương vị của thời gian, của một món ăn tự khi nào đã trở thành niềm tự hào của người Sài Gòn.

Tân Nhân

[b]


Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn Chơi Xếp hàng ăn cơm tấm... 'chật'