Naungon.com - Gia đình tôi được biếu một con cá thu to định để dành ăn Tết nhưng có người hàng xóm lại nói ăn cá thu to không tốt, đặc biệt là với trẻ em vì chứa nhiều độc tố? Mong chuyên mục tư vấn thông tin này có chính xác không? Vì sao cá sống ở biển lại có thể có độc tố được?
Vì sao không nên ăn cá biển loại to?

Linh Giang (Hà Nội)

Bạn cũng như khá nhiều người khác khi cho rằng, nước biển mặn sẽ không có vi khuẩn hoặc hạn chế vi khuẩn phát triển. Nhưng thực ra có những loại vi khuẩn ưa mặn sống được cả trong nước biển. Vì vậy, các loại: tôm, cua, ốc, cá… đều có thể nhiễm vi khuẩn. Đáng Lưu ý là vi khuẩn Vibrio parahaemolyticus, một trong những nguyên nhân gây ra những vụ ngộ độc thức ăn ở vùng biển. Vi khuẩn này gây ra hai loại hội chứng lâm sàng là tiêu chảy kiểu tả nhẹ và tiêu chảy phân có nhiều máu kèm theo đau bụng và sốt nhẹ. Trong hải sản có thể chứa các độc tố từ tảo gây nguy hiểm cho người ăn. Độc tố tảo phycotoxins sinh sản trong các rạn san hô ven bờ, là nơi sinh sống của các loài thân mềm như: Nghêu, sò, cua, tôm… Các độc tố tảo này không nguy hại đến các sinh vật biển nhưng chúng sẽ gây ngộ độc cho người nếu ăn phải. Độc tố tảo phycotoxins không bị phân hủy khi đun nấu, có thể gây tiêu chảy, đau bụng, đau đầu, gây liệt cơ, mất trí nhớ…

Về thông tin của hàng xóm nhà bạn cho rằng, cá thu to không tốt vì chứa nhiều độc tố là khá chính xác và có cơ sở bởi cá biển cũng có thể nhiễm kim loại nặng như: Asen, thủy ngân do môi trường ô nhiễm. Cá càng to thì thường bị nhiễm độc nặng hơn do quá trình tích lũy thức ăn. Vì vậy, các nhà khoa học khuyến cáo, không nên ăn các loại cá lớn như: Cá mập, cá kiếm, cá thu loại lớn, cá kình… vì hàm lượng thủy ngân tích lũy trong chúng khá lớn. Ngoài ra, do các chất độc hại thường lắng đọng ở lớp bùn nên ngoài các loài khi nhiễm độc, sẽ có các triệu chứng như: Mẩn ngứa, nổi mề đay, sổ mũi, mắt ngứa đỏ, tụt huyết áp, khó thở, nôn mửa, tiêu chảy…

Khi chọn cá biển, bạn nên quan sát mắt cá. Cá tươi mắt sẽ lồi và trong suốt, giác mạc đàn hồi. Cá ươn thì thường mắt sẽ lõm vào trong hốc, có màu đục và giác mạc mắt nhăn nheo hoặc rách nát. Cá tươi có mang màu đỏ hồng, dính chặt với hoa khế, không nhớt, không có mùi hôi. Ngược lại mang cá ươn màu xám, không dính chặt với hoa khế, có nhớt, có mùi hôi. Cá tươi có vảy óng ánh, bám chặt với thân, không có niêm dịch, không có mùi hôi. Vây cá ươn thì mờ, không sáng óng ánh, dễ tróc khỏi thân cá, có mùi. Hậu môn cá tươi thụt sâu vào bên trong, có màu trắng nhạt và bụng cá lép. Cá ươn có hậu môn màu hồng hay đỏ bầm, lòi ra ngoài, bụng cá phình to. Miệng cá tươi ngậm kín, cá ươn miệng hé mở. Bạn có thể ấn ngón tay vào thịt cá để thử, nếu thịt cá tươi sẽ rắn chắc, đàn hồi, không để lại vết ấn. Bạn cũng nên nhớ phải bỏ toàn bộ lòng ruột cá ngay khi cá còn tươi vì trong ruột cá có nhiều vi khuẩn, có thể thấm nhanh vào thịt cá gây ngộ độc. Không nên mua các hải sản có màu sắc khác thường, vì những loài sống trong vùng ô nhiễm thường có màu sắc khác với bình thường.

Kim Mai/Báo Gia đình & Xã hội


Tổng hợp & BT:

Về Menu

cá biển ăn cá biển loại to