Những món chè dân dã lạ miệng với nguyên liệu vừa rẻ vừa dễ tìm, bạn muốn thử một lần khám phá? Vị quê trong chén chè
Vị quê trong chén chè

Chè hạt ô môi đậu xanh

Chè hạt me 

Me là loại trái cây dân dã, bình dị và đa dụng (từ lúc trái còn non cho đến khi trái chín). Theo GS.TS Đỗ Tất Lợi trong quyển Những cây thuốc và vị thuốc Việt Nam, me có vị chua, tính mát, thanh nhiệt, giải khát, tăng cường hệ tiêu hoá, tăng sức đề kháng cho cơ thể… Trong 100 gram cơm trái me có khoảng 10% axit hữu cơ, 12,50% đường, kali và một số hoạt chất khác giúp kích thích vị giác, cung cấp vitamin, khoáng chất cho cơ thể… và trong hạt me còn có glucozan, xylan, chất béo, sáp, muối vô cơ…

Chè hạt me nấu với nếp thơm là một món ăn dân dã, ngon bổ. Muốn làm món chè này, ta phải dụng công một chút. Chọn những hạt me già, hạt cứng, vỏ có màu nâu đen, khi nấu mới dẻo, ăn bùi (khoảng 100g). rửa thật sạch và rang lên cho vàng. Đợi hạt nguội, dùng chày đập bỏ lớp vỏ cứng bên ngoài. Lấy nhân trắng hạt me cho vào chậu bằng sứ có nắp ngâm với nước tro (tro bếp) ấm trước một đêm (bí quyết để hạt nấu mau mềm và có mùi thơm hấp dẫn). Đổ hạt ra rổ, xả vài lần với nước lạnh cho sạch, để ráo. Sau đó, cho hạt vào nồi nước nấu sôi trong nhiều giờ với ngọn lửa liu riu cho đến khi hạt mềm. Lại vớt hạt ra rửa thật sạch, để ráo. Còn nếp, phải chọn nếp thơm ngon, hạt nhỏ (nếp rặt không lẫn gạo hay tạp chất) khoảng nửa lon vo sạch nấu nhừ (như nấu cháo) nhưng không quá loãng. Thả hạt me đã nấu mềm vào. Dùng vá đảo đều cho cả hai hoà quyện lẫn nhau. Sau cùng, thêm đường cát trắng (khoảng 500g) với nước cốt dừa cho đủ độ ngọt, béo. Nhắc xuống, múc ra chén…

Múc một muỗng chè hạt me đưa lên miệng nhai chậm rãi. Mùi thơm của nếp, vị bùi, dẻo dẻo đặc trưng của hạt me, hoà lẫn vị ngọt, béo của đường cát, lẫn nước cốt dừa thấm vào vị giác, len xuống tận cổ… tạo nên một “hợp khúc”chân quê ngon khó tả.

Chè hạt ô môi đậu xanh

Cây ô môi còn có tên gọi là cây bồ cạp nước, có nguồn gốc từ các nước Nam Mỹ. Ở Việt Nam, cây ô môi được trồng nhiều ở các tỉnh như An Giang và Đồng Tháp. Hàng năm, khi cơn gió bấc trở về lành lạnh (khoảng tháng 10 âm lịch) là lúc cây ô môi thay lá, ra hoa và kết trái. Nếu có dịp về đồng bằng sông Cửu Long vào mùa này, chúng ta sẽ được mục kích những chùm hoa màu hồng đong đưa khoe sắc (giống như hoa đào miền Bắc) nơi ven đường hay trên bờ kinh trông rất nên thơ và lãng mạn. Và, vào đầu mùa hạ năm sau (khoảng tháng 4 âm lịch) là mùa thu hoạch trái chín.   Hoa và quả ô môi   Trái ô môi có nhiều ngăn (khoảng 50 – 60 ngăn), trong mỗi ngăn chứa một hạt dẹt cứng, to cỡ nút áo, màu vàng nhạt. Giữa hai mặt hạt có vạch thẳng màu hồng, hạt trông xa giống hình trái tim. Trái ô môi chín khô lúc lắc nghe xào xạc rất vui tai! Ngoài công dụng ăn chơi như một thứ quà vặt mà bọn trẻ con ưa thích, ô môi chín còn có thể ngâm rượu làm thuốc trị đau lưng nhức mỏi, giúp ăn ngon miệng...   Quả ô môi khô

Nhưng cái mà nhiều người say mê “xí phần”là hạt ô môi, dùng để chơi đánh búng ăn hạt, sau đó gom hạt lại nấu chè. Chè hạt ô môi nấu với đậu xanh là một món ăn dân dã, ngọt, thơm, mát. Muốn làm được món chè thật giản đơn. Chỉ cần khoảng 100 gram đậu xanh (đãi vỏ càng ngon), 100 gram hạt ô môi, và 500 gram đường cát trắng là được (nhiều hay ít tuỳ theo thực khách). Trước hết, ngâm cả hai thứ hạt vào nước và để ráo. Hạt đậu xanh ngâm vào nước lạnh vài giờ trước khi nấu. Hạt ô môi ngâm nước sôi trước một đêm để cho lớp vỏ cứng mềm ra. Dùng dao bóc vỏ, tách bỏ phần nhân bên trong. Lấy lớp cơm trắng ngần của hạt ô môi để sẵn ra tô. Cho phần cơm hạt ô môi vào nồi nước để lửa liu riu đến khi hạt nở mềm ra. Tiếp đến, cho đậu xanh vào nấu sôi, chờ đậu xanh mềm cho đường cát vào. nếm nêm lần cuối cho đủ độ ngọt rồi nhắc xuống, múc ra chén, thế là xong!

Chè củ ấu

Ấu là loại củ (cũng còn gọi là trái) bình dị, đen xù xì, có hai sừng cong nhọn như sừng trâu, bên trong chứa chất tinh bột trắng, thơm, ngọt béo, bùi… Ấu không chỉ để luộc như một thứ quà vặt quen miệng, mà còn được chế biến nhiều món ăn khá độc đáo và hấp dẫn khác (mặn lẫn ngọt) như: giò heo hầm củ ấu, ba ba hầm củ ấu, củ ấu hầm dừa (thay khoai sáp)… nhưng món ăn “ngon, bổ, mát…” được nhiều người ưa thích, đó là: chè củ ấu quết nhuyễn nấu với đường phèn (hiện nay tại siêu thị Sài Gòn Tiếp Thị có bán ấu luộc 9.500đ/kg, ấu chưa luộc 7.500đ/kg).   Chè củ ấu

Khi mua chọn củ ấu già, có vỏ cứng, cầm chắc tay (khi nấu có nhiều tinh bột, ăn bùi). Ấu mua về rửa thật sạch, luộc chín. Đổ ra rổ chờ nguội. Dùng dao bén tách vỏ lấy phần thịt bên trong (khoảng 200g, ít nhiều tuỳ thực khách!) quết nhuyễn. Đem thịt ấu đã quết cho vào nồi nấu chín lần nữa với một ít nước (nhớ không quá loãng). Chờ nước sôi cho đường phèn (khoảng 100g, ít nhiều tuỳ khẩu vị), và nước cốt dừa vào (có thể thêm một ít vani cho có mùi thơm, nếu thích). Khi đường hoà tan, nhắc xuống, múc ra chén. Đợi chè nguội để vào ngăn lạnh trước khi dùng (như chè kho miền Bắc).

Vị ngọt thanh của đường phèn, vị béo bùi, và mùi thơm đặc trưng của củ ấu thấm vào vị giác, tan trong miệng mát lạnh, xông lên tận mũi. Tất cả như hoà quyện vào nhau tạo thành một món ăn chân quê ngon khó tả...     Theo Hữu Tưởng SGTT
Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn ngon