Để có một nồi nước đủ ưng ý, người ta phải phi thơm hành, tỏi, rồi đun cùng với ớt, cà chua, giấm đường, nước mắm, gừng…
Vấn vương hương phở chua Thất Khê

Nhiều vùng biên giới phía Bắc có phở chua, nhưng ngon nhất phải là phở chua Thất Khê (Lạng Sơn). Thất Khê là một thị trấn nằm trên giao lộ 3B đi Bắc Kạn với biên giới Trung Quốc, quốc lộ 4A đi Cao Bằng và tỉnh lộ 226 qua Bình Gia đến đường 1B. Địa thế bốn bề là núi cao, Thất Khê còn là một thung lũng và là nơi hò hẹn của các dòng sông như Bắc Khê, Cốc Phát, Pác Cát.

Vấn vương hương phở chua Thất Khê 1   

Dừng chân ở vùng đất này, sà vào bất kỳ hàng quán nào đó, bạn đều có thể thưởng thức món phở chua. Thật ra, ngay trên địa bàn Lạng Sơn, phở chua cũng có không ít quán, nhưng người ta bảo ngon nhất vẫn phải là phở chua ăn ở Thất Khê.

Món phở chua này có mặt ở xứ này từ khi nào? Cũng không ai rõ. Người thì bảo, nó bắt nguồn từ Trung Quốc, cũng có người nói nó là "khúc biến tấu" của phở Hà Nội, Nam Định... Chỉ biết, phở chua được người bản địa và du khách rất thích thú bởi nó ngon và có vị lạ.

Điều quyết định của phở chua Thất Khê chính là “nước đủ” hay còn gọi là nước sốt. Để có một nồi nước đủ ưng ý, người ta phải phi thơm hành, tỏi, rồi đun cùng với ớt, cà chua, giấm đường, nước mắm, gừng. Sau đó, cho bột lăng vào để “cô” cho sánh nồi nước. Gia vị hay nhất của nồi nước đủ chính là dấm đường. Đây là thứ giấm rất riêng của Lạng Sơn bởi nó được làm từ quả chuối tây chín.

Nước dùng được nấu theo trình tự sau: cho hành vào chảo dầu phi thơm, tỏi đập dập cùng với ớt đỏ chín xắt sợi cho vào xào nhẹ rồi chế nước vào nấu đến sôi, tiếp đó cho thêm cà chua, cuối cùng là nêm giấm đường, mắm cho vừa ăn, trước khi tắt lửa người ta cho thêm ít lát gừng tươi để tăng vị thơm, đồng thời gừng còn có tác dụng làm ấm bụng, giúp tiêu hóa tốt, tốt cho đường ruột của người ăn, nhất là trong điều kiện thời tiết lạnh khô của vùng cao.

Vấn vương hương phở chua Thất Khê 2   

Bánh phở được xắt từ bánh tráng bằng loại gạo nương rẫy của vùng cao, có độ trắng ngần, dai tự nhiên và có vị ngọt rất riêng. Bên cạnh lúa nước, đồng bào vùng này còn sản xuất lúa rẫy, đây là loại lúa có thời gian sinh trưởng rất dài ngày, lại chịu được thời tiết khắc nghiệt. Nên khi xay thành gạo loại lúa này cho ra những hạt gạo chắc, có hàm lượng tinh bột cao và ngọt.

Nét mới lạ nữa là phở chua xứ lạng không dọn trong tô mà dọn vào đĩa. Trên chiếc đĩa rộng, lớp bánh phở được sắp dưới cùng, tiếp đó là thịt xá xíu, kế đến là lạc rang, khoai chiên giòn, hành phi rải đều lên trên. Nước dùng được chan xâm xấp phần bánh phở và thịt. Kèm theo đĩa phở là một đĩa rau ghém chủ yếu có dưa leo, rau thơm, hành lá, ớt, … và một đĩa chanh tươi để tùy kheo khẩu vị.

Vấn vương hương phở chua Thất Khê 3   

Người ăn tùy khẩu vị của mình có thể thêm một chút chanh tươi, ớt hay tiêu... Gắp miếng phở chua, nhẩn nha thưởng thức vị giòn, bùi của khoai, lạc, vị ngậy của thịt xá xíu, cay của ớt, lại man mát của miếng dưa chuột và nhẩn nha thưởng thức thì quả là tuyệt thú. Nhất là, với những kẻ thích lang thang tới thiên sơn cùng cốc, tới các bản làng xa xôi để thưởng ngoạn thì những món ăn như phở chua mang đậm chất quê.

Theo Dân trí


Tổng hợp & BT:

Về Menu

hà nội Nam Định dưa leo nước mắm Trung Quốc Lạng Sơn