Gần đây, trường hợp cô gái trẻ hơn 20 tuổi chết không kịp trăng trối khi ăn bún dọc mùng đã khiến dư luận xót xa và hoang mang. Theo đó, lần đầu ăn bún dọc mùng, cô gái chỉ thấy ngứa miệng. Lần tiếp theo, ngay khi ăn xong, cô gái lên cơn khó thở và không kịp nói với chủ quán câu nào. Trên đường đến viện cấp cứu, cô gái trẻ đã ngạt thở và ngừng tim do dị ứng gây co thắt.
Trước tình hình đó, PV đã có cuộc trao đổi với TS.BS Đông y Vũ Minh Hoàn - Trưởng phòng Đào tạo nghiên cứu Khoa học và chỉ đạo tuyến - BV Đa khoa Y học Cổ truyền Hà Nội về mức độ dị ứng dọc mùng, tác dụng và cách sơ chế dọc mùng an toàn.
Các triệu chứng dị ứng dọc mùng
Theo bác sĩ Minh Hoàn, trường hợp cô gái trẻ hơn 20 tuổi chết không kịp trăng trối khi ăn bún dọc mùng do cơ địa dị ứng với dọc mùng. Vì vậy, khi tiếp xúc với dọc mùng, cô gái đã bị sốc phản vệ.
Dị ứng thực phẩm nói chung và dọc mùng nói riêng thường mang tính chất cơ địa. Trong một số trường hợp, dị ứng dọc mùng có thể gây nên dấu hiệu khó chịu trong người nhưng không nghiêm trọng. Tuy nhiên, có phản ứng xảy ra rất nặng nề, trầm trọng, thậm chí đe dọa đến tính mạng.
Trong một số trường hợp, dị ứng dọc mùng có thể gây nên dấu hiệu khó chịu trong người nhưng không nghiêm trọng (ảnh minh họa)
“Dị ứng dọc mùng phát triển và xuất hiện trong vòng vài phút đến khoảng 1 giờ sau khi ăn. Biểu hiện phổ biến nhất là ngứa ran trong miệng, phát ban, ngứa, nổi mề đay; sưng môi, lưỡi, mặt hoặc các bộ phận khác trên cơ thể; khó thở hoặc ngất xỉu,…
Trong một số trường hợp, phản ứng dị ứng dọc mùng có thể xảy ra nặng và nghiêm trọng hơn, gây nên tình trạng sốc phản vệ, đe dọa tính mạng con người như: phù nề đường hô hấp, họng bị sưng lên làm khó thở, bị chóng mặt, hoa mắt hoặc mất ý thức,…” , bác sĩ Minh Hoàn cho biết.
Bác sĩ cho biết thêm, dị ứng dọc mùng phải được phát hiện, xử trí cấp cứu một cách nhanh chóng, kịp thời.
Cách chế biến dọc mùng an toàn
Thường dọc mùng được chế biến kết hợp với các món canh chua, canh cá, sườn, bún,…Tuy nhiên, dọc mùng rất dễ gây ngứa. Vì vậy, trong quá trình sơ chế, chị em nội trợ cần cẩn thận và biết cách khắc phục.
“Dọc mùng có tác dụng phụ gây ngứa. Do đó, sau khi tước bỏ lớp vỏ xanh dai bên ngoài, chị em cắt dọc mùng theo miếng vừa ăn, rắc muối hạt và bóp nhẹ để các chất ngứa tiết ra.Tiếp đó, ngâm xả dọc mùng vài lần với nước lạnh”, bác sĩ Minh Hoàn chỉ cách loại bỏ chất ngứa chứa trong cây dọc mùng.
Bác sĩ cho biết thêm, khi sơ chế dọc mùng nên dùng găng tay ni-lông để bóp và vắt nước ngứa dọc mùng. Điều đó, giúp chị em tránh được dị ứng da do dọc mùng gây ra.
Công dụng của cây dọc mùng
Bác sĩ Minh Hoàn cho biết: “Dọc mùng là thực phẩm được sử dụng trong việc chế biến các món ăn. Trong Đông y, dọc mùng được coi là vị thuốc nam có tác dụng thanh nhiệt, giải chất béo rất tốt. Còn theo y văn, dọc mùng có vị nhạt, tính mát và không độc”.
Theo y văn, dọc mùng có vị nhạt, tính mát và không độc (ảnh minh họa)
Dọc mùng có thể dùng làm vị thuốc để chữa trị một số căn bệnh như:
- Bệnh cảm sốt: Khi bắt đầu có triệu chứng cảm sốt như ho, đau họng dùng phùng phụ can (dọc mùng phơi khô héo) sắc kỹ thật đặc và uống khi còn nóng.
- Bệnh sởi: Dùng 40 gram phùng phụ can sắc lấy nước cho người bị sởi uống.
Bên cạnh đó, những bệnh nhân béo phì, huyết áp cao hoặc đái tháo đường nên tăng cường ăn dọc mùng.
Tổng hợp & BT: Bích Loan (NauNgon.com)