Không chỉ dân nông thôn thích chiên bánh xèo ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ mà người thành thị cũng khoái khẩu món ăn kèm rau sống đậm đà hương vị miền Tây.
Thơm giòn bánh xèo miền Tây trong ngày Tết Đoan Ngọ



Không chỉ dân nông thôn thích chiên bánh xèo ăn trong ngày Tết Đoan Ngọ mà người thành thị cũng khoái khẩu món ăn kèm rau sống đậm đà hương vị miền Tây.


Đến hẹn lại lên, cứ vào ngày Tết Đoan Ngọ mồng 5 tháng 5 là ở nông thôn miền Tây nhà nhà đều chiên bánh xèo bởi loại bánh này chế biến rất đơn giãn. Kinh nghiệm của các bà nội trợ bỏ ít cơm nguội vào gạo xay bột cùng nghệ để chiên bánh xèo sẽ làm cho bánh chiên không dính chảo, giòn. Nhân bánh thường là tép, thịt gà, thịt vịt băm với củ sắn.



Còn ở các điểm du lịch như Mỹ Khánh, cồn Ấu (TP Cần Thơ), cồn Mỹ Phước (Sóc Trăng) hay Giồng Nhãn (Bạc Liêu)..., ngày nay bột chiên bánh xèo là bột gạo trộn với bột chiên giòn theo tỷ lệ 6/4 hoặc 7/3. Nhân bánh không là thịt vịt, thịt gà băm nhuyễn như ở thôn quê, thay vào đó là thịt heo thái lát.



Ngoài thịt heo còn có tép nguyên con cắt bỏ đầu đuôi và đậu xanh nấu chín.



Tại khu du lịch Giồng Nhãn - Bạc Liêu, 3 loại nguyên liệu tép, thịt, đậu được xúc vào 3 chén với tỷ lệ nhất định...



... rồi cho vào chảo xào khoảng 3-5 phút.



Ngược với cách làm của các bà nội trợ ở quê là đổ bột chiên bánh vào chảo một lúc rồi mới cho nhân vào sau rồi đậy nắp chờ bánh chín. Tại các khu du lịch bột bánh xèo được "tưới" lên nhân đang xào trên chảo và đặc biệt là đầu bếp sử dụng rất nhiều dầu mỡ và không đậy nắp khi chiên.



Khi bánh chín bên trong còn một lớp dầu. Một nắm củ sắn thái cọng với giá được đặt trên chiếc bánh...



... và xoay cho giá, củ sắn chín đều trước khi gấp đôi chiếc bánh mang ra bàn ăn.



Ngoài rau thơm với xà lách, bánh xèo ở chợ có thêm một ít "rau rừng" như lá sung, lá xoài, lá cách... Giá mỗi chiếc bánh thơm giòn như thế này là 40.000 đồng.

Ái Nam


Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn Chơi Thơm giòn bánh xèo miền Tây trong ngày Tết Đoan Ngọ