Những ngày Tết với thịt thà, bánh chưng đã đủ ngấy, người ta lại thèm những thứ nhiều rau hơn, thanh đạm hơn sau. Và phở cuốn là sự lựa chọn số 1 cho những tín đồ ẩm thực khó chiều Hà thành.
Ra Tết đi ăn phở cuốn chống ngán

Phở cuốn được coi là một biến tấu dễ chịu của món phở truyền thống. Phở thay vì được xắt sợi nhỏ thì cắt thành miếng to bản, bóc thành những chiếc lá bánh xinh xinh, trong veo. Lớp bánh phở phải đủ độ mỏng thì miếng phở cuốn mới không ngấy, nhưng lại phải dày hơn vỏ bánh cuốn một chút thì mới đủ sức “gánh” phần nhân ngon tuyệt bên trong.

Phần thịt bò xào bên trong quả thật là phần “đinh” của món ăn. Thịt bò chín vị khô, ngấy được thay thế bằng thịt bò xào lăn mềm, nóng hôi hổi, ăn lại ẩm hơn, đậm đà hơn. Theo nhiều người có nghề làm phở cuốn tại Hà Nội, thịt bò làm phở cuốn muốn ngon quan trọng nhất là khâu tẩm ướp. Tẩm ướp làm sao cho thịt bò vừa mềm, xào chín tới giữ được nguyên độ ẩm của thịt, không quá ngọt cũng chẳng quá mặn. Phi thơm hành tỏi, đổ thịt bò vào xào nhanh rồi bắc ra thì thịt bò vẫn giữ được độ ẩm, không bị ra quá nhiều nước. Thịt bò cũng không được thái miếng quá lớn mà chỉ vừa đủ ăn, cắn một miếng phở cuốn vừa miệng, thịt cũng không quá vụn để rơi vào bát nước chấm. Cuốn phở nhìn vẫn khô, nhưng hóa ra lại ngậy béo và mềm bên trong, sức nóng của thịt bò cũng khiến những phần rau cuốn kèm không bị trơ, hài hòa cùng nhau ăn rất thú. Lại nói đến phần rau cuốn, phở cuốn Hà Nội hầu như chỉ trung thành với một số loại rau sống nhất định: rau xà lách, rau mùi, rau bạc hà. Chính phần rau này khiến miếng phở cuốn cứ mát lừ đi, đưa đẩy cho vị giác dịu lại sau những bữa cỗ Tết ngấy ngán.

Phở cuốn không ăn cùng nước dùng mà lại dùng kèm với nước mắm chua ngọt. Gọi là chua ngọt chứ thực ra thường vị ngọt sẽ nhiều hơn một chút, thả thêm một ít đu đủ ngâm nữa là tròn vị. Chỉ có những hàng chuyên phở cuốn tại Hà Nội mới có thứ nước chấm gây nghiện, đạt chuẩn để ăn với phở cuốn, vì thịt bò vốn đã đặm rồi, chỉ cần pha nước chấm hơi mặn hoặc hơi lạt là coi như cuốn phở bỗng vô duyên hết sức.

Bên cạnh phở cuốn thanh đạm, người ta còn hay gọi thêm một đĩa phở chiên phồng hoặc phở chiên trứng ăn kèm. Biết là lại dầu mỡ, nhưng phở chiên phồng vẫn có một sức hấp dẫn khó cưỡng. Phở cắt thành những miếng vuông như hộp diêm, thả vào chảo dầu sôi nóng già thì đột ngột phồng lên như những chiếc gối nhỏ xinh, vàng ruộm. Thịt bò đảo với rau cải xanh, thêm một ít hành tây, cà chua rồi chế nước sốt sền sệt hòa cùng, đổ tràn lên những miếng phở chiên đã ráo mỡ. Chao ôi là thơm! Phở chiên giòn tan, ở trong vẫn mềm mềm, dai dai, chấm cùng nước sốt và thịt bò khiến vị giác tưởng chừng đã mệt nhoài với dầu mỡ giờ lại hứng khởi trở lại. Nhiều người thích thơm hơn, bùi hơn thì lại khoái gọi phở chiên trứng. Phở vẫn giòn tan như thế, nhưng phủ ngoài bằng một lớp trứng khiến miếng phở cứ thơm nức.

Nói đến phở cuốn, chắc hẳn nhiều người Hà Nội nghĩ ngay đến phố Ngũ Xã. Con phố nhỏ thôi, nhưng luôn tấp nập bất kể giờ giấc bởi ở đây nhiều hàng phở cuốn đến không thể tin được. Nhiều nhà hàng, quán ăn khang trang hơn, sạch sẽ hơn đã được mở ra nhưng không hiểu sao người ta vẫn thích lê la ngoài vỉa hè, chọn một góc nho nhỏ để thưởng thức phở cuốn. Phải chăng những món ăn bình dân thì nên thưởng thức theo cách bình dân nhất có thể?

Xem thêm >>> Cá song hấp xì dầu cho bữa ăn sau Tết

Theo Sống mới


Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ẩm thực độc đáo