Rượu mít uống lâu say, lại khá bổ, thường được người dân quê tôi dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang. Như đến hẹn, đúng vào dịp mồng 5
Nồng nàn hương rượu mít



Rượu mít uống lâu say, lại khá bổ, thường được người dân quê tôi dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.

Như đến hẹn, đúng vào dịp mồng 5 làng tôi vườn nhà nào cũng lủng lẳng những quả mít chín. Trong tiết trời ngày hè oi bức, gió tháng 5 mang hương mít thơm ngào ngạt như đem lại chút dịu mát, trong lành về cho miền quê yên ả. Đây cũng là thời điểm các cậu, các dì nặng đôi quang gánh kĩu kịt những trái mít chín để kịp buổi chợ phố sớm mai.



Những múi mít vàng ươm, dậy mùi thơm khiến dù chưa được nếm cũng ít ai cầm lòng được. Ảnh: Phan Thị Thanh Ly.

Cây mít từ lâu đã gắn bó chặt chẽ với đời sống người dân vùng trung du xứ Quảng. Mít chủ yếu được trồng trong vườn nhà hay dọc các đồi gò dùng để lấy trái và gỗ. Không cần chăm bón, vậy mà những cây mít sống trên đồi cao chót vót, đất càng đỏ càng khô bao nhiêu mít càng tăng tuổi thọ bấy nhiêu.

Hằng năm cứ đến độ tháng 2, tháng 3, mít bắt đầu ra trái, trái lớn địu trái bé chi chít từ gốc đến tận trên các cành cao. Mít chín rộ nhất vào những ngày cuối tháng 4, đầu tháng 5 âm lịch. Người đã quen ăn thì biết chọn quả chín có gai nở tròn trịa bằng nhau, không có vết xước, thủng sâu, không bị nứt ra, vỗ thử tiếng kêu nghe bình bịch là được. Vậy là hái xuống, chỉ cần bổ nhẹ, từng múi, từng múi mít vàng óng, ngọt thơm lộ ra. Mới nhìn thôi là đã không kiềm lòng được.

Gặp người thân quen hay khách quý, chủ nhà không những mời thưởng thức từng múi mít chín vàng óng, mà còn đãi những cốc rượu mít - loại rượu đặc trưng riêng của vùng đất này.

Để pha chế được bình rượu mít ngon, trước tiên người ta phải chọn những múi mít mới chín, ngọt lịm từ những quả mít ngon, gỡ bỏ hạt, phần múi đem trộn với đường. Men rượu đem tán nhỏ, rây mịn. Cho mít vào bình thủy tinh, xếp một lượt mít rắc một lượt men cho đến hết. Số men còn lại rắc trên cùng, đậy kín nắp.

Khoảng dăm ba ngày sau, mít lên men rượu bốc mùi thơm. Lấy 2 lít nước lọc hòa với đường đổ vào, đậy kín nắp để lên men tiếp. Khoảng mươi ngày nữa, rượu mít chuyển sang màu vàng nhạt, dậy mùi thơm là được.

Rượu mít uống lâu say, lại khá bổ, thường được người dân quê tôi dùng khai vị trong bữa ăn như bia hay rượu vang.

Mùa này, dọc con đường lên vùng trung du quê tôi, không ít du khách phải ngỡ ngàng trước những vườn mít trĩu quả. Từng cơn gió mang hương mít ngào ngạt hòa quyện hương rượu lúa mới quyến rũ đến lạ lùng. Chỉ cần một lần về vung trung du quê tôi, thưởng thức vài ngụm rượu mít, khách phương xa sẽ nhớ mãi cái tình khó quên.

Phan Thị Thanh Ly



Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn Chơi Nồng nàn hương rượu mít