Ai đã từng đến cao nguyên trắng Bắc Hà thật khó cưỡng với chén rượu ngô Bản Phố say nồng ngây ngất. Rượu ngô có lẽ là thứ quyến rũ nhất khi đặt
Ngất ngây men rượu hồng mi



Ai đã từng đến cao nguyên trắng Bắc Hà thật khó cưỡng với chén rượu ngô Bản Phố say nồng ngây ngất.
Rượu ngô có lẽ là thứ quyến rũ nhất khi đặt chân đến cao nguyên trắng. Gió lạnh, sương giăng, chẳng còn gì hợp hơn để mời nhau một chén rượu đầy.

Dù không phải phiên chợ, nhưng dọc con phố nhỏ ở thị trấn Bắc Hà, người ta vẫn bày bán rượu ngô trong những chiếc can 20 lít. Các bà, các chị váy xòe đi ngang qua nếm thử rượu bằng chiếc thìa nhựa nhỏ.

Bà cụ bán hàng lưng còng đã 72 tuổi rót rượu ra chiếc chén xanh cũ kỹ, vui vẻ đưa cho anh bạn đi cùng tôi với câu mời bằng tiếng Kinh lơ lớ: “Uống thử đi, không lấy tiền đâu”.

 


Ông Giàng Seo Sẩu rót rượu mời khách

Từ thị trấn Bắc Hà, chúng tôi chạy dọc lên bản Phố. Dọc đường, những nhánh mận trĩu hoa trắng xóa vươn ra quệt vào cửa kính xe lộp độp. Tôi cố hít hà mùi rượu trong không khí nhưng chỉ thấy mùi nhựa cây hăng hắc quyện với hơi ẩm, ngai ngái của những chuồng trâu bò ven đường.

Mãi đến khi xe dừng trước cổng nhà ông Giàng Seo Sẩu (57 tuổi), một gia đình nấu rượu lâu năm ở thôn Bản Phố 2A, tôi mới ngửi thấy mùi men rượu nồng nồng lan tỏa trong không khí.

Trong gian bếp ấm, nồi nấu rượu to đang bốc hơi nghi ngút. Từ chiếc vòi nhỏ dẫn từ nồi, dòng rượu trong veo tí tách chảy. Rượu ngô Bản Phố thực sự phải nấu bằng men hồng mi, một loại cây cỏ, có bông như bông kê và hạt đen nhỏ như hạt cải mới đúng điệu.

Trước đây, hồng mi mọc hoang rất nhiều, nhưng bây giờ bà con phải tự gieo trồng cùng với lúa nương.

Tháng 8, 9 là mùa thu hoạch hồng mi. Bông hồng mi túm lại thành túm, phơi khô rồi đập lấy hạt. Hạt tán nhuyễn, trộn với nước ấm và rượu để nắm thành bánh men. Ủ bánh khoảng một tuần thì thành men rượu.

 


Bông hồng mi phơi khô

Kéo từ góc nhà ra một sọt hồng mi phơi khô, ông Sẩu bảo: “Cả xã có hơn 100 hộ nấu rượu ngô, nhưng chỉ có khoảng 20 hộ dùng men hồng mi, còn lại dùng men rượu thường mua ở chợ. Men hồng mi khoảng 10.000/kg, chi phí cũng không lớn hơn là bao so với men rượu thường, nhưng công sức bỏ ra để hồng mi thành men thì lại rất kỳ công".

Theo ông Sẩu, nếu không vững tay nghề, thì cả mẻ men dễ bỏ đi như chơi.

 



Rượu ngô ủ bằng men hồng mi say êm ái như nụ cười ngọt lừ của con gái Mông. Trong làn khói lam bay bay quyện với hương rượu thơm nồng khiến mọi giác quan cựa quậy



Tịnh Tâm

Để làm ra một nồi rượu chừng 25 lít, ông Sẩu dùng khoảng 1,5 kilogram hồng mi và 60 kilogram ngô.

Rượu bản Phố thường chỉ nấu vào cuối tuần. Mỗi nhà nấu chừng 40-50 lít rượu. Trung bình một năm, cả bản Phố nấu ra khoảng 200.000 lít rượu. Rượu chủ yếu đem bán ở phiên chợ, hoặc khách quen đến tìm mua tại nhà.

Rượu ngô ủ bằng men hồng mi say êm ái như nụ cười ngọt lừ của con gái Mông. Trong làn khói lam bay bay quyện với hương rượu thơm nồng khiến mọi giác quan cựa quậy.

Ông Seo Sẩu cười tâm đắc bảo: “Rượu ngô bản Phố ngon ở ngô, ở men hồng mi đã đành, nó còn ngon nhờ nước suối Hang Dể và cái lạnh của bản Phố. Dùng nước khác, nấu ở nơi khác, thì rượu khác ngay”.

 


Khách đến mua rượu tại nhà

Nếu không có cuộc trò chuyện với ông chủ nhà mến khách và mến...rượu, không được tận mắt nhìn thấy những túm hồng mi “thần kỳ” và những thúng ngô vàng ươm mây mẩy, không được chờ đợi từng giọt rượu trong veo chầm chậm chảy ra từ nồi cất để được một chén đầy sóng sánh, thì khó có thể “say” được rượu ngô Bản Phố một cách trọn vẹn.

Bài và ảnh: Tịnh Tâm


Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn Chơi Ngất ngây men rượu hồng mi