Theo một thống kê chưa chính xác, mỗi ngày trên toàn thế giới có khoảng 2 tỷ người uống cà phê. Và cà phê đã trở thành thức uống đặc biệt trong cuộc sống con người. Cà phê và những điều bạn chưa biết
Cà phê và những điều bạn chưa biết

Không ở đâu có số lượng quán cà phê đông như ở thành phố. Cũng không ở đâu như ở thành phố này, người ta có thể uống 24/24. Chính vì thế, không như bất cứ ngành hàng kinh doanh ăn uống nào, các chủ quán cà phê vẫn cứ "sống khỏe" và các "tín đồ" của cà phê cứ ngày một đông hơn. Bởi có thể nói một cách không ngoa, cà phê còn là khởi đầu của những mối quan hệ: từ giao dịch làm ăn, kinh doanh, khởi đầu cho một mối quan hệ bạn bè, quán cà phê còn là nơi có thể cà kê hàn huyên cùng bè bạn, "đi cà phê" cũng có khi chỉ vì để được "ta với ta" nếu cần một chút tĩnh lặng trong tâm hồn.

Cà phê thân thuộc là thế, nhưng còn có nhiều điều thú vị khác mà không phải ai trong chúng ta cũng biết. Những thông tin sau mà BS Lương Lễ Hoàng - Trung tâm oxy cao áp TPHCM cung cấp, hy vọng sẽ mang lại nhiều thông tin bổ ích.


Cà phê - vị thuốc cho sức khỏe

Ngay từ đầu thế kỷ 17, các thầy thuốc đã dùng cà phê như một thứ thuốc. Nhiều thầy thuốc ở Canada, Hoa Kỳ, Bắc Âu, vẫn dùng cà phê như nhân tố hỗ trợ trong phác đồ điều trị hen suyễn, viêm mũi dị ứng. Về sau, cà phê trở thành thức uống phổ thông, do tác dụng tăng cường sự hoạt động ở vùng não nhờ các hoạt chất caffein.

Cà phê là hoạt chất hiệu quả để chống suy nhược thần kinh. Nhiều nhà khoa học đã chứng minh cà phê có tác dụng ngăn chặn ung thư đường ruột, bởi trong cà phê có chất trung hòa độc tố trong khung đường ruột. Các nhà nghiên cứu ở Canada đã chứng minh tác dụng phong bế tế bào ung thư của cà phe trong mô hình thực nghiệm. Cà phê đen, không đường, không sữa còn có tác dụng ổn định huyết áp, đặc biệt ở người cao tuổi có huyết áp dao động bất thường.

Chuyên gia nghiên cứu Forsyth đã chứng minh cà phê có tính kháng khuẩn trong vòm miệng và ngăn ngừa hư răng nhờ lượng chất chát rất cao. Uống cà phê thật chậm hay thậm chí dùng nước giảo cà phê để súc miệng là biện pháp hữu hiệu để khỏi hư răng.

Tuy nhiên, điều gì cũng có hai mặt của nó, cà phê cũng vậy. Cà phê có thể trở thành không tốt nếu người tiêu dùng không biết hết những đặc tính của cà phê.

Cẩn thận với caffein

Giống như nicotine và nhiều chất kích thích khác, caffein là chất gây nghiện có trong cà phê. Caffein làm tăng hàm lượng dopamine, chất truyền dẫn thần kinh có chức năng tạo cảm giác hưng phấn trong não, uống nhiều cà phê sẽ gây cảm giác lo lắng, bồn chồn. Thói quen uống cà phê nhiều lần trong ngày, nếu xét về mặt dược lý hoàn toàn không có lợi thậm chí có hại.

Uống cà phê qúa trễ, sau 6 giờ chiều là một trong các lý do dẫn đến mất ngủ, dù là chưa có công trình nghiên cứu nào khẳng định được tác dụng ức chế trung khu ngủ của cà phê. Theo các nhà nghiên cứu ở Úc, thường thì cà phê không gây mất ngủ hẳn, nhưng làm giảm độ sâu của giấc ngủ, làm mất giấc mơ, nghĩa là cản trở chức năng của giấc ngủ và nhất là gây cảm giác mệt mỏi khi thức dậy.

Cà phê có thể gây hồi hộp hay thậm chí gây rối loạn nhịp tim ở người bị cường tuyến giáp hay rối loạn dây truyền thần kinh giao cảm, chẳng hạn trong giai đoạn mãn kinh, mặc dù hậu quả đó chỉ có tính chất tạm thời, ngắn hạn và không đủ dẫn đến hậu quả nghiệm trọng trên tim mạch.

Với người không quen uống cà phê, hay cho dù uống thường, nhưng gặp loại có qúa nhiều caffein thì tim có thể đập nhanh và tăng huyết áp, nhất là với người nghiện thuốc là.

Còn những người đã bị viêm loét dạ dày sẽ dễ bị cồn cào, thậm chí đầy hơi hay ợ chua khi uống cà phê lúc bụng đói vì cà phê làm bài tiết dịch vị. Người bị rối loạn tinh thần nên tuyệt đối tránh xa cà phê để tránh nhiều phản ứng khó tiên liệu. Thai phụ không nên uống hơn 2 tách cà phê mỗi ngày. Tốt nhất là không uống, tối thiểu trong 3 tháng cuối của thai kỳ, để tránh trường hợp sinh khó vì thời gian chuyển bụng sẽ kéo dài hơn.

Cách uống cà phê cũng rất quan trọng. Uống cà phê sữa thậm chí còn có hại nếu người uống đã bị tăng mỡ trong máu. Theo chuyên gia dinh dưỡng ở Đức, uống cà phê nhiều đường, như thói quen của nhiều người, thậm chí còn tệ hơn, vì hỗn hợp cafein và đường là nguyên nhân gây co thắt mạch vành đột ngột ở người thiếu máu cơ tim.

Theo một kết quả từ công trình nghiên cứu ở Áo, cà phê có tác dụng lợi tiểu nên dễ gây rối loạn nước và chất điện giải nếu người uống cà phê uống qúa nhiều mà quên uống nước. Hậu quả là nhiều loại muối khoáng như oxalat, urat dễ bị kết tủa rồi sinh sỏi ở đường tiết niệu.

Như vậy, cà phê cũng tựa như một vị thuốc. Bạn không nên uống "quá liều" dễ sinh bệnh. Hãy là người sành điệu trong nghệ thuật thưởng thức cà phê.   Theo Mỹ thuật
Tổng hợp & BT:

Về Menu

Ăn ngon