Bệnh tim mạch là một trong những bệnh lý gây tử vong hàng đầu. Ngoài việc điều trị thuốc men, chế độ ăn uống đúng cách đóng vai trò quan trọng.

	Ăn uống trong điều trị bệnh tim mạch | Ẩm thực - Sức khỏe



 

Giảm chất béo

Chất béo ở đây chính là thực phẩm chứa cholesterol, nếu chúng ta ăn quá nhiều sẽ dẫn đến tăng cholesterol và béo phì. Đây là những yếu tố làm tăng nguy cơ bệnh tim mạch. Để phòng ngừa bệnh lý tim mạch, trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày cần hạn chế sử dụng chất béo với cơ cấu lượng mỡ dưới 30% tổng năng lượng, nhất là lượng chất béo bão hòa (chất béo no có trong mỡ động vật).

Ăn uống trong điều trị bệnh tim mạch
Người bệnh tim mạch nên dùng nhiều rau củ quả tươi; hạn chế chất béo, muối... - Ảnh: Shutterstock 

Chất béo bão hòa cần phải hạn chế dưới 10% vì nó là nguyên nhân chính và trực tiếp làm tăng cholesterol máu. Cholesterol tăng cao là yếu tố nguy cơ hàng đầu gây ra chứng xơ vữa động mạch và bệnh lý mạch vành. Do đó, cần thực hiện chế độ ăn giảm đến mức tối đa lượng cholesterol và phải thực hiện việc điều trị triệt để tình trạng tăng cholesterol.

Hạn chế lượng đạm

Trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày của người bình thường, lượng chất đạm chiếm 30% khẩu phần, còn với người mắc bệnh tim mạch, trong khẩu phần ăn, lượng đạm chỉ nên chiếm 15% tổng nhu cầu năng lượng.

Giảm lượng muối

Để phòng ngừa bệnh tăng huyết áp, tác hại lên tim mạch, trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày cần hạn chế lượng muối nạp vào. Muối ăn tối đa trong chế độ ăn uống mỗi ngày là 3 gr, nhưng chúng ta thường ăn gấp đôi số này vì trong thức ăn chế biến sẵn và các loại thực phẩm tự nhiên đã có một lượng muối khoáng nhất định.

Rau củ quả

Chất bột là chất cần gia tăng trong chế độ dinh dưỡng hằng ngày, nhưng chỉ dừng lại ở mức 50 - 55% loại chất bột có trong các loại rau củ quả. Trái cây, các loại rau quả và hạt nguyên vỏ ngoài cung cấp tinh bột còn chứa nhiều chất rất có ích cho sức khỏe tim mạch như chất xơ, chất chống ô xy hóa. Ngoài ra, tinh bột còn có trong các sản phẩm như ngũ cốc, cơm, các loại mì ống và bánh mì.

Kiểm soát trọng lượng

Thừa cân, béo phì là yếu tố nguy cơ gây nên nhiều bệnh lý như đái tháo đường, tim mạch, trong đó có khoảng 15% số ca tử vong liên quan đến bệnh lý tim mạch do béo phì. Do vậy, trong chế độ ăn hằng ngày, việc giảm cung cấp năng lượng sẽ làm giảm nguy cơ béo phì. Ngoài ra, còn phải siêng tập thể dục thể thao để cơ thể duy trì cân nặng ở mức ổn định.  

BS Hồ Văn Cưng


Tổng hợp & BT:

Về Menu

ăn uống, tim mạch, muối, đạm